Chủ Nhật, 17 tháng 11, 2013

MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO



            NẾU CÓ ƯỚC  MUỐN TRONG CUỘC ĐỜI NÀY..

             " Nếu có ước muốn trong cuộc đời này ", bạn sẽ ước gì đây ? Có thể mỗi người đều có ước muốn riêng của mình , có thể ước muốn chẳng ai giống ai, nhưng có lẽ chúng ta vẫn còn một ước muốn chung, đó có phải là  "ƯƠC MUỐN CHO THỜI GIAN TRỞ LẠI"..?

            " Nếu có ước muốn trong cuộc đời này
            Hãy nhớ ước muốn cho thời gian trở lại
            Bên nhau tháng ngày, cho nhau những hoài niêm
            Để nụ cười còn lắng mãi trên hàng mi
            Trên bờ môi, và  trong những kỷ niệm xưa .."

        Đó là lời bài hát " Mong ước kỷ niệm xưa " của  Xuân Phương.  Hàng năm cứ đến ngày lễ các nhà giáo ( 20-11) là tự nhiên tôi lại nhớ đến những kỷ niệm xưa , những kỷ niệm của một thời cắp sách tới trường, một thời tuổi thơ " vụng về " và "khờ dại ".
        Trong 70 mùa xuân của cuộc đời đã đi qua tôi luôn là người học trò. Những ngày bé thơ chập chững những bước đi đầu tiên , cha mẹ chính là người Thày người Cô đầu tiên của mình, dạy cho ta khôn lớn, dạy ta cách sống làm người, dạy cho ta những bước đi vững chắc, chắp cho ta đôi cánh để bay vào cuộc đời đày thử thách chông gai.  Ngày đầu tiên ta được cắp sách tới trường, biết bao bỡ ngỡ lạ lẫm, cô giáo đã dắt tay ta vào lớp, dạy ta những con chữ đầu tiên..đó là những tháng năm đất nước còn chiến tranh, đêm đêm ta phải lấy miêng cao su săm lốp bỏ đi đốt lên làm đuốc để tới trường làng học cùng chúng bạn. Rồi may mắn cũng đến, những ngày tháng tuổi thơ vô tư trôi qua trên mảnh đất Quế Lâm Xứ người, các Thày Cô đã  nuôi dạy ta trưởng thành, cho ta vốn kiến thức , hành trang để sau này ta bước vào cuộc đời mênh mông, rộng lớn. Những năm học ở trường Chu văn An, những ngày hè khó quên ấy vẫn còn trong ký ức ta, đi theo ta cùng năm tháng.  Kỷ niệm về mái trường xưa , về các Thày Cô ,về bè bạn thân thương chẳng bao giờ phai nhạt trong ký ức ta.

          Sẽ nhớ mãi kỷ niệm trường xưa đã qua
           Sẽ nhớ mãi Thày Cô ngày thơ đã xa
           Sẽ nhớ mãi những người bạn thân thiết
           Nỗi nhớ này  gửi vào trời mây bao la
           Và giữ mãi thẳm sâu trong cõi lòng ta.

     Trong một lần đi dự đám cưới con một người bạn thân, đang ngồi nhấp chén trà chuẩn bị vào bàn tiệc, bỗng  thấy một cô gái trạc ngoài 30 tuổi đến trước mặt  tôi rồi thốt lên " Em chào Thày ạ ", phút ngạc nhiên qua đi nhanh chóng ,tôi nhớ ngay người đứng trước mặt là một học trò của mình từ mấy năm trước. Những lúc như thế mới sực nhớ ra là mình đã từng làm Thày giáo, đã từng được đứng trên bục giảng. Kỷ niệm về những khoảnh khắc đó cũng rất sâu sắc và thú vị nữa. Khi làm người Thày dạy ngoại ngữ tiếng Trung cho các em học sinh của trương Đai hoc NG tôi đã cố  soạn một giáo án riêng, cố tìm một cách dạy riêng để làm sao cho các em dễ hiểu và vận dụng ngay được. Tôi thường gợi ý ra đề cho các em hội thoại với nhau hoàn toàn tự chủ, sáng tạo không gò bó theo khuôn khổ ngữ pháp nào ..và thế là trong cái lớp học ấy tôi dường như không phải là người Thày mà  chỉ là một học trò bình đẳng chuyện trò với các em bằng thư tiếng mà suốt mấy chuc năm tôi đã sử dung cho công việc của mình. Thật khó tin là những điều mà Thày Quý, cô Quế đã từng dạy bảo nay lai được tôi đem ra bảo ban các học trò của mình.

    " Học, học nữa , học mãi .." Đó là lời dạy của LeNin, hàng ngày tôi vẫn học, học từ sách vở, học từ những bài học của chính mình trong cuộc sống đã qua, tôi luôn tâm niệm ta sẽ luôn luôn  là người học trò nhỏ của các Thày Cô đi trước và mãi mãi là người học trò  trong cuộc đời mênh mông và rộng lớn này.

                                                                               Viết để nhớ các Thày Cô nhân ngày Nhà giáo.
                                                                                                    18/11/2013. Công Lý
       

Chủ Nhật, 10 tháng 11, 2013

ĐÔI BỜ


     Tôi  yêu âm nhạc, thích nghe nhạc trữ tinh đặc biệt là những bài hát trữ tình dân gian  của nước Nga. Tôi không được học đại học và sông lâu ở nước Nga , thời gian tôi ở lâu nhất là một tháng. Đó là vào mùa thu năm 1985, tôi được cử đi  cùng một số cán bộ cấp vụ của Bộ NG sang NGA ( khi đó còn là Liên Xô) theo học một lớp đặc biệt do Bô ngoại giao LX tổ chức về nội dung "Cải tổ" do Tổng bí thư GOOCBACHEP khởi xướng. Những ngày tháng đó là thời gian ngắn ngủi nhưng vô cùng hạnh phúc đối với tôi. Tôi đã đến Quảng trường đỏ Kremlin và nhiều nơi nổi tiêng khác ở Mascova , tôi nhiều lân đi dọc theo con sông Volga ngắm cảnh hoàng hôn chiều tà, những lúc ấy bài hát "ĐÔI BỜ" lại vang lên bên tai tôi. Giờ đây kỷ niệm  94 năm cách mạng tháng mười và sắp đón Tông thống Nga Putin, tôi bỗng nhớ nước Nga và trong một buổi chiều cuối thu se lạnh tôi lại ngồi nghe  bài hát " ĐÔI BỜ" quen thuộc, bài hát quá gần gũi thân thiết với bè bạn Cu lo chung ta.

     Bên tai tôi giai điều êm đềm của bài ca vang lên :

   Đêm dài qua dưới mưa rơi, em mong chờ anh tới
   Cây cỏ hoa như nói nên lời em hạnh phuc nhất đời...
   .....
   Một dòng sông sóng nước long lanh, đôi bờ đâu cách xa.

       Bài hát này đến với Việt Nam ta khá lâu rồi . Thực ra trong tiêng Nga bài hát có tên " Em và Anh đôi bờ một dòng sông" . Bài hát có xuất xứ tử bộ phim " Khát nước " của LX năm 1960 do nhạc sỹ Andray Yakovlevich Eshpai sáng tác với phần lời của Mikhailovich Pozhenyan. Bài hát kể về câu chuyện một cô gái Nga chờ người yêu bên dòng sông, mặc dù vô vọng nhưng trong lòng cô gái vẫn cháy bỏng niềm tin và tha thiết chờ đơi :

      Bên dòng sông sánh vai nhau
      Đôi đôi bước theo dòng
      Mình em riêng đứng ngóng trông anh , với tình yêu thiết tha
      Một dòng sông sóng nước bao la, ĐÔI BỜ ĐÂU CÁCH XA.

 Một tình yêu đẹp như thế. một tấm lòng yêu thương như thế thì dù có đôi bờ kia ngăn cách , với họ thì  " ĐÔI BỜ ĐÂU CÁCH XA " và họ vẫn sẽ đến được với nhau để sông mãi bên nhau trọn đời.
 
     Tôi không nhớ rõ tác giả dịch lời bài hát Nga này sang lời Việt là ai, có người nói, lời Việt thực ra không hoàn toàn đúng như lời tiếng Nga của bài hát , nhưng tôi cho là dich sang tiêng Việt như vậy là hay,  là phù hợp với nội dung của bài hát.
     Nước NGA xa xôi mà gần gũi, con người Nga giản dị chân thực. Mặc dù không được sông nhiều năm ở đó nhưng thời gian chỉ một tháng cũng để lại trong tôi biết bao ký ức êm đẹp  và vô cùng thân thiết, những rừng cây bạch dương mùa đông về tuyết phủ trăng xóa , rượu Voka mùi vi quen thuộc và những cô gái Nga nữa chứ ..vẻ dịu dàng , quyến rũ của họ khiến ta khó mà không để mắt cho đươc ...
   
     Con sông Volga hùng ví chảy qua Thủ đô Mascova xinh đẹp , đôi bờ sông ấy đã chứng kiến biết bao cuộc chia ly rồi hội ngộ  của những cặp đôi  nam thanh nữ tú cả người NGA và người VIỆT. Đối với tất cả những cặp đôi trên thế gian này thì với họ  " ĐÔI BỜ ĐÂU CÁCH XA. "

                                                                                                               10/11/2013 , Công Lý
                                                                                                  Viết trong một ngày nhớ về nước NGA

   TB : Tôi không biết tiếng Nga , nhờ các bạn viết thêm tên và lời bài hát  bằng tiếng Nga, mong được bổ xung thêm về lai lịch của bài hát mà tôi rất yêu thích này. Cám ơn, Công Lý.

Thứ Bảy, 2 tháng 11, 2013

TÌNH ĐỜI

                                NỢ ĐỜI MỘT CHỮ  "TÌNH"

         Cổ nhân từng nói :
                           " Thế gian vạn sự như bào ảnh
                            Thiên kiếp duy dư nhất phiến TÌNH "
        Triết lý nhà PHẬT cũng răn dạy :
                           " Cuộc đời có có, không không
                           Trăm năm còn lại TẤM LÒNG mà thôi "
       Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn cũng khuyên ta :
                            " Sống trên đời phải có một TẤM LÒNG .... để gió cuốn đi "

   Trong cuộc sống quả là không thể thiếu một chữ " TÌNH". Những ngày thu vừa qua chúng ta đã được chứng kiến chữ "TÌNH" ấy, cũng là TẤM LÒNG của muôn con dân đất Việt đối với sự ra đi vào cõi vĩnh hằng của vị Đại tướng của nhân dân. Cảnh tượng hàng vạn người im lặng xếp hàng dài tới ngôi nhà 30 Hoàng Diệu nơi trú ngụ nhiều năm qua của Bác GIÁP để nghiêng mình tiễn biệt bên di ảnh của Người vẫn còn đọng lại trong tâm trí ta chẳng thể phai nhạt. Nhớ lại  khi đoàn người xếp hàng trật tự bước đi chờ tới lượt mình, một số cháu sinh viên trẻ đã rủ nhau chuẩn bị những chai nước ngọt, những chiếc bánh mỳ để làm bớt đi cái đói cái mệt của đoàn người đến viếng Bác Giáp , nhìn cảnh ấy trong lòng chúng ta không thể không rộn lên một chữ "TÌNH". Có một nhà báo đã phỏng vấn một cô sinh viên trẻ đang tất bật  cùng đám bạn hữu lo miếng cơm ,ngụm nước cho bà con, nhà báo hỏi " các cháu làm thế có phải  là do Đoàn  Thanh niên tổ chức ,đông viên không? cô bé trả lời " không, tự chúng cháu làm thôi ", lại hỏi " có phải vì các cháu yêu nước không ? ",trả lởi " Không, chúng cháu chỉ yêu Bác Giáp thôi" . Lời đáp là chân thực và hồn nhiên, đó chẳng phải chứa đày ắp một chữ "TÌNH" sao ? Nhân dân là thế ,tình đời là thế nhưng còn những người có chức có quyền tối cao trong tay thì sao, họ cũng đến viếng với vẻ măt đăm chiêu, không biết họ có  thấy ngượng với những ứng xử, những quyết định  như cố tình rút ngắn ngày treo cở rủ quốc tang, cắt bớt chưng trình truyền hình tai chỗ về đám tang không ? hẳn là họ đã quên đi chữ "TÌNH". Đó là tình đồng bào,tình đồng chí, đồng đội.Thôi hãy cứđể cho non sông, trời đất này phán xét !

      Buổi tối ngày thứ bảy, khi đang theo dõi một trương trình trên Tivi nói về căn bênh ung thư hiểm nghèo, tôi bỗng lặng người đi khi nghe thốt lên một tiếng kêu của trẻ nhỏ " Mẹ ơi ,con đau quá ". Em bé trong đoạn phim ấy chỉ 3, 4 tuổi , tiếng kêu não lòng của em khi bị căn bệnh ung thư hành hạ đã rúng đông tâm can các bậc làm cha mẹ ,khiến ta phải đặt câu hỏi " thảm cảnh ấy ai gây ra, ai phải chịu trách nhiệm ?" Chẳng phải là do những kẻ chỉ vì hám đông tiền bất kể hậu quả sinh thái, mạng người đổ bưa bãi rác thải với đay rãy các chất gây ung thư ra môi trường đó sao? Mấy chuc năm trước làm gì có cảnh tượng cả làng, cả xom đêu mắc bệnh ung thư, cả một gia đình đều chết vì ung thư, những kẻ ngồi trễm trệ trên ghé cao kia. được " lại quả " bao nhiêu đồng tiền bẩn thỉu từ nhưng công ty làm ăn bậy bạ kia liệu có chịu trách nhiêm gi không, họ đâu còn chút "TÌNH NGƯƠI" nào.  Trong khi Họ để cho những  công ty nhà nước thất thoát hàng nghin tỉ đồng , trốn thuế hàng nghìn tỉ đông, có kẻ giám đóc hưởng lương một năm mấy ty đồng.. họ có biết ở trên vùng cao còn bao nhiêu cháu bé không có đủ áo mặc khi cái rét cắt thit ập tới, họ có biết ỏ vùng bão lũ miền trung có gia đình nọ hai vợ chồng 3 đứa con gió bão thổi bay hết nhà cửa ,không còn gi để ăn, không biết đồ cứu trợ ở đâu mà khi một cô phong viên hỏi một cháu gái con của cặp vợ chông nông dân ấy : "hàng ngày cháu  ăn cơm với gi ?" , cháu bé hở cả hàm răng sún nói rành rọt " cháu chỉ ăn cơm với muối ớt ", nghe lời nói ấy bà mẹ lặng lẽ rơi nước mắt, nhưng lạ là cô phóng viên Khánh Huyền ấy vẻ mặt vẫn tươi cười, cô ấy đến với gia đình chỉ để làm chương trình cho mùi mẫn, tuyệt không thấy đem theo tí chút quà cứu trợ nào. Cho hay chữ " TÌNH" kia cũng có ba bảy đường.

      Còn biết bao ngang trái trên cuộc đời này, những người cầm cân nảy mực đang ngồi trên cao chót vót kia sao có thể để cho đất nước điêu tàn  đến nỗi đạo đức suy đồi, phẩm giá con ngừoi bị trà đạp , con giết cha , bệnh nhân bị bác sĩ làm chết vứt xác trôi sông..Họ vẫn ung dung ngồi  đấy, vị Bộ trương VPCP còn nói rằng "thay vì Bộ trưởng y tế từ chức  thì cứ để cho Bà ấy  cơ hội làm lại từ đầu " Liệu bà ấy có làm được điều gì tốt hơn không đây ? Nghe nói trong kỳ họp Quốc Hội đang diễn ra , có vài vị đai biều đã nói thầm thì với nhau  : trong tình hình đất nước thế này mà sao vẫn giữ mãi quy định  các UVBCT khi về hưu mỗi người được chia 500 mét đất ở khu Hồ Tây , sao không đem đất ấy mà chia cho dân nghèo, bớt chút tiền của hỗ trợ vùng cao, vùng lụt để trẻ em có manh áo chống rét, để em bé kia không phải chỉ mãi  ăn cơm với muối ớt nữa ?

     Vẫn biết rồi mọi thứ trên đời đều sẽ trở thành hư không thôi, nhưng trái đất từ thuở hồng hoang đến giờ vẫn luôn còn lại với thế gian này một chữ "TÌNH" , bản thân chúng ta cũng luôn trăn trở với chữ "TÌNH" ấy , với câu hỏi muôn đời rằng  : Ta đã làm được gì cho đời, ta ứng xử ra sao với chữ "TÌNH" đây ?

     Để kết thúc bài viết , xin có vài lời giản dị :


                           Cái gì cũng có một thời
                           Bao nhiêu nước mắt cuộc đời xót xa
                           Cái gì rồi cũng sẽ qua
                           Bao nhiêu oan ức lệ nhòa hôm nay
                           Cái gì cũng thành khói mây
                           Buồn vui, khổ nhục, đắng cay đã từng
                           Cái gì rồi cũng hư không
                           Chút "TÌNH" hỏi có còn chăng, hỡi người ?

                                                                                          Công Lý , ngày 2 tháng 11 năm 2013.