Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2013

NHẶT THƠ

                                        CẶP ĐÔI  HOÀN HẢO

             Họ là một cặp đôi, Họ không nổi danh và ầm ĩ mỗi khi xuất hiện trước ống kính, trên màn hình nhỏ hay trên sân khấu như cặp đôi Quang Dũng- Hồng Nhung, hay Đàm Vĩnh Hưng- Mỹ Tâm, họ chỉ xuất hiện trong tiểu thuyết và giờ là cả trong thơ ca nữa. Họ là ai ? Không ai là không biết họ, dù họ sống tại một ngôi làng quê nghèo ở  Băc Bộ đã vài chục năm trước. Chàng là CHÍ PHÈO còn nàng là THỊ NỞ. Đã bao ngày tháng trôi qua nhưng hình ảnh của cặp đôi này đã từ trang sách  bước ra  đời thường hòa vào cuộc sống của bao người , họ ung dung sánh đôi cùng bao cặp đôi khác.

    Xin hãy xem hình ảnh của họ , và lắng nghe nỗi niềm của họ qua lời thơ của nhà thơ QUANG HUY                                

            Người ta cứ bảo dở hơi
            Chấp chi miệng thế lắm lời thị phi
            Dở hơi..chẳng dở hơi gì
            Váy em xắn lệch nhiều khi cũng tình
            Làng này khối kẻ sợ anh
            Rượu be với chiếc mẻ sành trên tay
            Sợ anh chửi đổng suốt ngày
            Chỉ mình em biết anh say rất hiền
            Anh không nhà cửa bạc tiền
            Không ưa luồn cúi, không yên phận nghèo
            Cái tên thơ mộng Chí Phèo
            Làm em đứt ruột mấy chiều bờ ao
            Quần anh ống thấp ống cao
            Làm em hồn vía nao nao đêm ngày
            Khen cho con tạo khéo tay
            Nồi này thì úp vung này chứ sao
            Đêm nay trời ở rất cao
            Sương thì đậm quá trăng sao lại nhòa
            Người ta... mặc kệ người ta
            Chỉ em rất thật đàn bà với anh
            Thôi rồi , đắt lắm tiết trinh
            Hồn em nhập bát cháo hành ngàn năm ./.

          Ai bảo họ không phải là một "CẶP ĐÔI HOÀN HẢO" ?

                                                             Công Lý nhặt thơ mời các Cụ đọc khi nhàn rỗi.
                                                                                  25/10/2013

Thứ Ba, 15 tháng 10, 2013

SUY TƯ


      1.  Những ngày cuối thu, nhìn những chiếc lá vàng rơi bay theo cơn gió heo may, lòng tôi buồn khôn  nguôi. Mùa thu này một vĩ nhân, một vị tướng văn võ song toàn, một nhân cách lớn của thời đại, một huyền thoại của muôn đời đã ra đi , một ngôi sao sáng đã bay lên hòa vào dải ngân hà của vô số những vị tướng lừng danh thế giới. Sự ra đi của ông đã gắn kết hàng triệu con tim người Việt Nam, cái chết của ông lại đã gieo mầm cho sự sống của bao cuộc đời mới.
       Những ngày qua bên di ảnh của ông, ký ức về những khoảnh khắc ngắn ngủi được gần kề bên ông , giọng nói ấm áp của ông, hình bóng hiền từ của ông lại hiện về trong tôi, bùi ngùi ,thương nhớ. Cùng với hàng vạn người dõi theo chiếc xe chở linh cữu ông về nơi an nghỉ cuối cùng, tôi đã :

        Giấu đi giọt lệ vào trong mắt
        Lòng quặn đau, tiễn Bác đi xa
        Xin một lần thôi cho con gọi :
        Ơi người ANH , người BÁC, người CHA.

        Lời buồn chẳng muốn nói ra
        Chỉ xin đời kết vòng hoa dâng Người.
        Người ơi, Người đã xa rồi
        Mãi còn vương vấn đất trời mùa thu.

     2. Tôi đã sinh ra một ngày cuối mùa thu năm đầu thập kỷ 40 của thế kỷ trước. Vậy là tôi đã được hiện diện trên thế gian nay bảy mươi hai mùa thu. Tôi không bao giờ quên công ơn sinh thành và dưỡng dục của Cha Mẹ tôi. Cha đã dạy giỗ, dìu dắt tôi, chăp cho tôi đôi cánh ước mơ để đi vào đời, Mẹ đã vắt cạn bàu sữa nuôi tôi khôn lớn ngày ngày, đã vì tôi mà gom đủ phúc gần, lộc xa cho tôi dược bay nhảy vùng vẫy nơi chân trời góc  biển.
     Bảy mươi hai mùa thu đã qua đi,  từ đứa tre thơ vụng về, khờ dại đùa vui với chúng bạn bên dòng sông Ly nơi Xứ người, nhờ sự chăm sóc ,bảo ban của các Thày Cô, tôi đã trở thành một chàng trai hăm hở vào đời để rôi gắn cuộc đời mình với nghiệp Ngoai giao. Hơn 40 năm qua  cuộc sông đã cho tôi bao trải nghiêm , những vất vả gian truân, nhưng đắng cay ngot bùi. Tôi đã đăt chân tới Lũng Cú điểm xa nhất về phía bắc, đến với đất mũi Cà Mâu , điểm xa nhất về phía nam, vượt nghìn trùng biển khơi đên với đảo Song Tử Tây điểm xa nhất về phia đông của lãnh thổ Việt Nam ngàn lần yêu dấu. Tôi đã sải bước trên những con đường của Thủ đô Washington , của Paris tráng lệ , của những thành phô Berlin , Moscow, Bắc Kinh , Tokio , dù đó là nhưng nơi nổi tiếng thế giới, nhưng tôi vẫn luôn đinh ninh rằng :

               Bao năm sống ở Xứ người
               Không bằng về với đất trời quê hương.

     Tôi đã sống với cuộc đời bình dị như bao người khác, như con tầm nhả tơ, cặm cụi làm việc  góp chút sức lực nhỏ nhoi cho sư nghiệp gìn giữ mảnh đất thiêng liêng ông cha để lại. Cuộc đời  nhiều vẻ vang đấy nhưng cũng nhiều cam go, cơ cực . Được sinh ra làm một con người của đất Mẹ Việt Nam đã là sung sướng lắm rồi, tự hào lắm rồi.
      Cuộc đời dài mà cũng ngắn thôi, tôi chẳng hối tiếc gì về những ngày đã qua, chỉ ân hận là mình chưa làm được những gì mà tổ tiên để lại, mẹ cha dặn dò, mong đợi. Tôi giờ đã là VÔ VI , chẳng còn ham muốn gì nhiều, giờ chỉ làm những gì trái tim mình mách bảo, nhưng đâu đó sâu trong cõi lòng mình vẫn còn cháy âm ỉ ngọn lửa của niềm đam mê, của nỗi háo hức còn được dấn thân cho đời dù tất cả những gì đã qua rồi cũng sẽ thành hư vô mà thôi :
                Lợi danh như bóng mây qua
                Chỉ còn lại chút  thiết tha tình đời.



  Mùa thu này sao buồn quá và cũng nhiều vấn vương quá . Người đã đi xa nhưng đâu đó trong không gian của mùa thu tĩnh lặng , tiêng nói ấm áp , lời dạy của người vẫn còn vang vọng mãi.
   Thôi, ta cứ sống ung dung, thanh thản, dù cũng không dễ gì để sống những ngày còn lại, để sống cho xứng đáng như lời dặn dò của Người đã đi xa : HÃY SỐNG NHƯ  MỘT NGƯỜI CHÂN CHINH.

   Bóng chiều đã ngả, những giọt nắng  cuối thu cũng dần tắt  :

              Thi ai cũng phải già đi
              Tóc xanh rồi bạc lạ gì hỡi em
              Thôi ta cứ sống hồn nhiên
               Âm thầm, lặng lẽ vẫn duyên, vẫn tình./.
             
                                                                       
                                                                               Công Lý
                                                                  ( Viết nhân ngày sinh ) 16/10/2013

Thứ Bảy, 5 tháng 10, 2013

THƯƠNG TIẾC ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP


                                   NHỚ LẠI KHOẢNH KHẮC ĐƯƠC GẶP MẶT ĐẠI TƯỚNG
                                                        TẠI BẮC KINH năm 1990

                   Thế là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị tướng tài ba lẫy lừng, tổng tư lệnh tối cao của  lực lượng vũ trang- quân đội nhân dân VN đã từ biệt cõi đời để  vĩnh viễn đi vào lịch sử, đi vào các trang sách như một huyền thoại, một người con anh hùng vẻ vang của dân tộc Việt Nam. Cuộc đời một trăm lẻ ba năm của Ông đã ghi lại  những dấu ấn hào hùng, những chiên công lẫy lừng trong sự nghiệp đánh thắng 2 cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ, giải phong dân tôc, thống nhất đất nước góp phần quan trong vào việc xóa bỏ  hoàn toàn chủ nghĩa thực dân cũ và mới trên trái đất này.
             Trong niềm tiếc thương khôn nguôi, tôi bỗng nhớ lại những khoảnh khắc rất đáng  khắc ghi trong cuộc đời khi tôi có dịp được gặp gỡ ,nói chuyên với ông, nghe ông căn dặn, đưa Ông đi thăm một vài thắng cảnh của thành phố Bắc Kinh  Trung Quốc .  Vào lúc đó , quan hệ  VIỆT - TRUNG còn chưa được bình thường hóa, theo lời mời của phía Trung Quốc, Đại tướng được trung ương Đảng cử làm đại biểu thay mặt lãnh đạo ta  sang Bắc Kinh dự đại hội thể thao châu Á do TQ lần đầu tiên đăng cai  tổ chức tại Thủ đô Bắc Kinh . Thời gian đó tôi đang là Tham tán Công Sứ, người thư hai sau Đại Sư Đặng Nghiêm Hoành tại Sứ quán VNDCCH ở Băc Kinh. Thang 8 năm 1990, Đại Sư Hoành cho tôi đọc bức điên mật của Bộ Ngoai giao thông báo và giao nhiệm vụ cho Sứ Quán đón tiếp và phục vụ Đại tương Võ Nguyên Giáp sẽ sang Bắc kinh đự đai hội thể thao châu á trong thời gian 5 ngày. Đại Sứ Hoành về Nam Ninh rồi xuống Bằng Tường trực tiếp đón Đai tướng tại biên giới ,đưa Người lên Nam Ninh rồi đáp máy bay của TQ đến Bắc Kinh. Lúc bấy giờ giao thông đường không và đường xe lửa giũa hai nước vẫn bị gián đoạn .Tôi được Đại Sứ giao nhiệm vu huy đông cán bộ nhân viên SQ  chuận bị chương trình đón Đại tướng vào thăm  gặp gỡ cán bộ nhân viên của SQ . Sau hơn 10 năm quan hệ hai nước xấu đi ,đây là lần đầu tiên một lãnh đạo cấp cao của nhà nước ta dến Bắc Kinh không chính thức , tuy là chỉ tham gia một hoạt động thể thao, nhưng sự kiện này là dấu hiệu đầu tiên của tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước một năm sau đó.  Phía TQ sắp xếp cho Đại tướng ở tại nhà khách Chính phủ có tên là Điếu Ngư Đài ,
nơi dành riêng để đon tiếp Nguyên thủ và lãnh đạo cấp cao các nước tới thăm TQ. Nhưng do chuyến đi không công khai nên đã không có cuộc tiếp xúc cấp cao nào diễn ra, mặc dù vậy Bộ NG TQ vẫn đón tiếp Đai tướng rất trọng thị,  sự kiện này cũng không được đưa tin công khai trên các phương tiện truyền thông của hai nược. Ngày Đại tướng đến Bắc Kinh,  tôi và 2 cán bộ nữa ra sân bay đon  cùng với cán bộ vụ lễ tân của Bộ NG TQ , sau đó Đại Sứ và tôi tháp tung Đại tướng về thăng khu Điếu Ngư đài.
           Khi Đại Sứ Hoành bận việc về SQ, tôi ở lại bên cạnh Đại tướng thêm một lúc để xem xét nơi ăn chốn ở  của Đại tướng và chờ xem Ông  có dặn dò gì thêm không. Năm đó Đại tương đã 80 tuổi nhưng Ông còn rất khỏe mạnh và nhanh nhẹn. Ông vẫn còn nhớ tôi  đã từng phiên dịch cho ông trong một số buôi gặp gỡ của ông với phía TQ khi ông đi thăm chính thức TQ lần cuôi năm 1977 trược khi quan hệ hai nước xấu đi. Khi tôi cùng ông đi bộ trên con đường dẫn vào nhà khách ông  đã ôn lại vài sự việc trong chuyến thăm TQ năm đó. Trong chuyến thăm ấy phía TQ đon tiếp không chu đáo, lúc đó quan hệ đã có dấu hiệu xấu đi, thời gian chuyến thăm đã được rútt ngắn lại. Ông nhắc lại chuyện đó, rồi trầm ngâm nói với tôi : " Ở đời có khi cũng phải biết đội mũ phớt, cháu ạ " Tôi hiểu câu nói đày ẩn ý đó. Trước khi tôi xin phép Đai tướng  về SQ, ông vỗ nhẹ vai tôi và nói : " Cháu thu xếp mua giúp Bác mấy mét vải gấm hoa  nhé" ,rồi ông ghé tai tôi nói nhỏ " để làm quà cho Bác gái đấy ", rồi ông cười rất thoải mái. Đến bây gì tôi vẫn không sao quên được nụ cười ấy.  Hôm sau Ông vào thăm Sứ quán, chung tôi đon tiếp Đại tướng rất chân tình, không ồn ào nhưng đậm đà tình nghĩa quê hương. Trong câu chuyện Đại tướng nói nhiều về công việc đối ngoại ,dặn dò cán bộ nhân viên tận trung báo hiếu với tổ quốc, với nhân dân, với gia đình, chú ý giũ gìn bản sắc dân tộc, cẩn trọng trong xử lý quan hệ với TQ , làm tròn nhiệm vụ của người cán bộ đối ngoại mà Đai tướng gọi là " những chiến sỹ trên mặt trân ngoại giao ". Trước khi chia tay, Ông chụp ảnh chung với cán bộ, nhân viên SQ, rồi ông chụp ảnh riêng với một sỗ cán bộ lãnh đạo. Tôi cũng được chụp riêng với ông và cái khoảnh khắc  đáng nhớ đó trong cuộc đời tôi đa được tôi giũ gìn cho đên  ngày nay.
            Hôm nay nghe tin Ông đã về cõi hư vô ,cuộc đời ông là tấm gương sáng về long trung thành với tổ quốc với đông bào mình, là tâm gương về đạo dức cách mạng cao cả. Ông ra đi để lại nỗi tiếc thương vô hạn cho cả đất nước, cả dân tộc . Những ký ức về khoảnh khắc được gạp ông không bao giờ nhạt phai trong tôi.  Xin được thắp một nén hương kính viếng hương hồn ông, mong ông được siêu thoát, bình an thanh thản ở nơi cực lạc, cõi vĩnh hằng.

                                                            Hà Nội ,ngày 5 thang 10 năm 2013.    Công Lý.